Lượt xem: 1310

Tản mạn cùng Mỹ Xuyên

Tên gọi Mỹ Xuyên đi vào lịch sử với nhiều cách giải thích khác nhau. Có người giải thích theo cách chiết tự Hán - Việt (cũng là cách đặt tên quen thuộc của người xưa): Mỹ là đẹp, Xuyên là sông (cũng có nghĩa là đi qua), đi qua dòng sông đẹp. Đây là cách giải thích được nhiều người mặc nhiên chấp nhận. Nhưng thực tế, địa danh Mỹ Xuyên được hình thành từ việc hợp nhất 2 làng Hòa Mỹ và Vĩnh Xuyên (lấy 2 chữ cuối mà hình thành tên gọi Mỹ Xuyên ngày nay) theo Nghị định ký ngày 18-4-1893 của chính quyền thực dân Pháp.

    Khi nói đến Mỹ Xuyên có lẽ không ít người công nhận rằng đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” mà những địa phương khác không có được nhiều như thế. Trong khoảng thời gian đầu của công cuộc khai phá vùng đất mới thì địa danh Bãi Xàu - tiền thân của tên gọi Mỹ Xuyên là nơi hình thành đầu tiên khu kinh tế - thương mại trù phú, sầm uất đầu tiên với Thương cảng Ba Thắc nức danh một thời. Nơi đây đã có biết bao nhiêu huyền thoại về sự phát sinh tên gọi, về danh thắng, về con người, về sản vật địa phương, về đình - chùa - miếu... mà cho mãi đến hôm nay, Mỹ Xuyên vẫn là một trong những đề tài hấp dẫn cho giới nghiên cứu khi nói về Sóc Trăng. Vì sao? Bởi “tên tuổi” của Mỹ Xuyên không còn gói gọn trong vùng lãnh thổ của Sóc Trăng, mà từ lâu Mỹ Xuyên đã hòa vào dòng chảy của lịch sử, từng đỉnh đạc sánh vai cùng với Cù Lao Phố (vùng Biên Hòa, Đồng Nai xưa) góp phần làm nên nền tảng trong công cuộc khai thác những tiềm năng trù phú của vùng đất phương Nam. Không chỉ có Thương cảng Ba Thắc, Mỹ Xuyên còn là một trong những thủ phủ của hệ thống đồn điền trên vùng đất Sóc Trăng xưa, với hầu hết diện tích đất sản xuất đều nằm trong tay của người Pháp, của quan lại địa phương...


Thương cảng Bãi Xàu xưa (làng Mỹ Xuyên). Ảnh internet 

    Ngược dòng lịch sử, vùng đất này với tên gọi đầu tiên là Ba Thắc (Bassac). Lúc này, Ba Thắc là một vùng lãnh thổ khá rộng, bao trùm cả khu vực Bạc Liêu - Cà Mau ngày nay. Một vài sử liệu mang ít nhiều sự huyền thoại còn sót lại cho biết: Tướng Ba Thắc vốn không phải là người dân bản địa mà là quan lại của triều đình nước Lèo (nước Lào ngày nay), vì trốn chạy sự trừng phạt của triều đình, nên ông cùng đoàn tùy tùng trôi dạt đến đây. Có lẽ tinh tường nên ông sớm nhận biết tiềm năng trù phú của vùng đất mới, ông cùng thuộc hạ ra sức khai cơ lập nghiệp, nhằm tạo ra một “giang sơn gấm vóc” cho con cháu đời sau. Sau khi qua đời, tên của ông được đặt cho vùng đất vừa được khai phá nhưng chưa có khai sinh tên tuổi và lập nên Cổ miếu Ba Thắc còn tồn tại đến tận hôm nay, tại thị trấn Mỹ Xuyên. Địa danh Ba Thắc được đưa vào các văn bản hành chính thời trước vào năm 1714 là thời điểm Mạc Cửu đã khai phá và ổn định vùng đất Hà Tiên (thuộc Kiên Giang ngày nay). Trong quyển “Gia Định thành thông chí” của tác giả Trịnh hoài Đức, có nhận định: “Vào khoảng năm 1868 đã hình thành từ lâu thương cảng mang tên gọi Ba Thắc với nhiều loại hàng hóa là sản vật của địa phương hoặc của các vùng lân cận... Thương nhân chủ yếu là người Hoa trực tiếp giao dịch với các thương nhân nước ngoài... Thuyền buôn đậu san sát nhau có từ 100 đến 150 chiếc”. Tuy thông tin từ quyển sách trên có ít nhiều sơ lược, nhưng đã phản ánh phần nào về các hoạt động thương mại trên một vùng đất mới còn lắm hoang du và đường bộ tỏa đi các nơi còn quá nhiều hạn chế. Có lẽ chính trong giai đoạn trù phú này đã khiến cho thương cảng, thương nhân, chủ vựa thường xuyên bị cướp phá. Để ngăn chặn tình trạng trộm cướp lộng hành, Bãi Xàu vinh dự được triều đình nhà Nguyễn chọn làm nơi đặt phủ thành Ba Xuyên (tên dân gian gọi là Bảo). Phủ thành được tiến hành xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 năm 1836, có ghi: “Lấy đất Ba Thắc thành lập phủ Ba Xuyên bao gồm các huyện Phong Nhiêu (Bãi Xàu), Phong Thạnh và Vĩnh Định... Phủ thành Ba Xuyên được đặt tại thôn Hòa Mỹ...”.


Vị trí cảng Bãi Xàu năm xưa - nay là phố chợ. Nguồn baocantho.com.vn

    Khi tên gọi Ba Thắc được hình thành và sau đó Thương cảng Ba Thắc ra đời thì vùng đất này đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của các thương nhân các nước trong khu vực, bởi vì các loại sản vật của địa phương vừa phong phú, lại vừa chất lượng tốt; trong đó, phải kể đến gạo Ba Thắc - một mặt hàng được giới thương nhân ưa chuộng nhất, kế đến là Bạch lạp (sáp ong màu trắng) chỉ có ở những vùng nhiều bông tràm như Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau (vùng Ba Thắc), khô, lông chim và nhiều loại “thượng thú, hạ cầm”...

    Cửa biển Mỹ Thanh, cửa sông Vàm Tấn (Đại Ngãi ngày nay) là 2 trục giao thông đường thủy chính yếu đi vào thương cảng Ba Thắc bề ngang còn khá rộng nên cướp biển thường xuyên len lõi vào cướp phá, nên triều đình nhà Nguyễn cho đặt 3 trạm kiểm soát gồm: Trạm Vàm Tấn, trạm Quan thuế Rạch Gòi và đồn trấn thủ ngay tại thương cảng. Cửa biển Trấn Di được hình thành từ đây. Tên gọi Trấn Di dần dần “biến dạng” thành Tranh De (thời Pháp), Trần Đề ngày nay và cũng là tên chính thức của huyện mới Trần Đề (được thành lập vào ngày 23-12-2009).

    Với tên gọi Mỹ Xuyên tuy có những cách lý giải khác nhau, nhưng với văn bản hành chính là cứ liệu chuẩn xác nhất. Việc hợp nhất 2 lành Hòa Mỹ - Vĩnh Xuyên để hình thành tên gọi Mỹ Xuyên theo Nghị định ký ngày 18-4-1893 của chính quyền sở tại lúc bấy giờ là điều chúng ta không cần phải luận bàn thêm. Nếu lấy móc ngày 18-4-1893 là ngày ký của Nghị định thì “tuổi đời” Mỹ Xuyên cũng đã ngót nghét 127 năm. Nhưng nếu lấy móc năm 1802, khi vua Gia Long chia đất Gia Định thành ngũ Trấn, trong đó vùng đất Sóc Trăng bấy giờ có một phần thuộc huyện Vĩnh Định của phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Huyện Vĩnh Định (vùng Sóc Trăng) đã có các thôn như: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Hòa Mỹ, Đại Hòa, Đại Hữu, An Lạc... (trích Địa chí tỉnh Sóc Trăng, trang 1990), thì Mỹ Xuyên đã có đến 218 năm hình thành.


Ba Thắc Cổ miếu. Nguồn nongthonviet.com.vn

    Tên gọi Mỹ Xuyên với vùng đất Ba Thắc - Bãi Xàu đỉnh đạc từng bước đi vào lịch sử với vị thế của một tiền đồn về kinh tế - thương mại xưa. Trên mảnh đất này đã sớm chuyển mình qua hàng bao thế kỷ, ngay từ lúc ông cha ta đã từng chung lưng, đấu cật khai phá vùng đất mới. Bao thế hệ tiền nhân đã chịu đựng không biết bao nhiêu là gian nguy, hiểm trở để ra sức khai hoang, phục hóa, từng bước biến đổi cả một vùng hoang vu thành một nơi trù phú nhất nhì khu vực phía Nam thời bấy giờ. Cột mốc 127 năm hay 218 năm chắc chắn sẽ chưa chính xác của Ba Thắc xưa và Mỹ Xuyên ngày nay. Có lẽ, trong tương lai, giới nguyên cứu về Sóc Trăng nói chung, Mỹ Xuyên nói riêng cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về lịch sử hình thành vùng đất mới. Tuy “mới” nhưng danh tiếng của nó vang xa không thua bất kỳ một địa phương nào trong khu vực Ba Thắc xưa. Đó cũng là một cách tri ân của những bậc tiền nhân đã dày công lập nên vùng đất này.

Thiên Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 8032
  • Trong tuần: 78,739
  • Tất cả: 11,802,059